Cô gái Việt mặc áo dài chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới Everest
Hãy tưởng tượng, bạn đang đối mặt với cái nóng gần 40 độ C, lại đột ngột bị bỏ vào tủ đông khổng lồ -5 độ rồi sau đó mỗi ngày lại xuống thêm vài độ và bạn phải di chuyển, sinh hoạt và ngủ trong tủ đông đó suốt 12 ngày, thật sự không phải là điều dễ dàng.
Trong dịp lễ dài ngày đầu tháng 5 vừa rồi, thay vì chọn du lịch đến những nơi có thể nghỉ ngơi thư giãn và check-in sang chảnh, Hồng Ánh và nhóm bạn của mình lại “hành xác” khi tham gia hành trình chinh phục Everest Base Camp (EBC) – để đến được trại nền của nóc nhà thế giới ở độ cao 5.364m. Với cô, đó là hành trình vô cùng thú vị, để lại nhiều kỷ niệm khó phai. Và leo núi đường dài tưởng chừng là một môn thể thao rất cá nhân, hóa ra lại mang đậm dấu ấn của tinh thần đồng đội.
Trưa ngày 1.5, cô gái trẻ cùng nhóm bạn khoe đã chinh phục EBC ở độ cao 5.364m trong chiếc áo dài cờ đỏ sao vàng trên trại nền EBC trong cái lạnh -18 độ, giữa trời tuyết rơi dày và mọi thứ đóng băng, cùng cái nhìn trầm trồ và thán phục của rất nhiều đoàn leo núi khác khắp thế giới.
“Tôi mang theo chiếc áo dài này từ Việt Nam sang, cõng trên ba lô suốt hành trình 12 ngày lên đến tận đây để chờ khoảnh khắc được mặc vào. Lúc lên tới EBC trời lạnh quá, tôi nghĩ chắc thôi không thể nào cởi áo phao và áo chống gió ra để mặc nổi áo dài vào đâu! Nhưng tôi vẫn quyết tâm ‘chơi lớn’, thay áo dài giữa trời tuyết rồi về có ốm cũng cam lòng. Vì nếu bỏ lỡ khoảnh khắc đó, tôi biết mình sẽ tiếc mãi!”, Hồng Ánh chia sẻ về khoảnh khắc chịu lạnh thay áo dài.
Để lên được EBC, đoàn phải trek liên tục 12 ngày liền, từ độ cao 2.800m lên đến độ cao 5.364m trong cái lạnh âm độ kéo dài.
“Công bằng mà nói, địa hình đường đi lên trại nền EBC không phải là quá khó so với các cung leo núi khác mà tôi từng đi, nhưng cái khó nhất nằm ở chỗ đây là cung dài ngày, tổng cộng 12 ngày trek liên tục, mỗi ngày trek từ 5 – 6 tiếng dưới trời tuyết lạnh và có thể dài hơn nếu thời tiết xấu đi. Chưa kể càng lên cao không khí càng loãng, lượng oxy càng thấp và thời tiết ngày càng lạnh, phải đi trên băng tuyết trơn trượt mới thật sự tăng thêm độ khó cho ‘game’ này”, cô chia sẻ.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở Việt Nam với cái nóng gần 40 độ, lại đột ngột bị bỏ vào tủ đông khổng lồ -5 độ rồi sau đó mỗi ngày lại xuống thêm vài độ và bạn phải di chuyển, phải sinh hoạt và phải ngủ trong tủ đông đó suốt 12 ngày trời, thật sự không phải là điều dễ dàng.
Thế nên, bạn trẻ nào có ý định chọn hành trình này để chinh phục đều cần nghiêm túc cân nhắc đến thể lực và sức bền cá nhân cũng như khả năng chống chọi với nguy cơ “sốc độ cao”. Cơn sốc sẽ khiến bạn nhẹ thì nhức đầu, sốt, mất ngủ, tay chân tê cứng, thậm chí buồn nôn dọc đường đi và vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình, còn nặng hơn có thể bị tràn dịch màng phổi hoặc màng não, buộc phải hạ độ cao khẩn cấp và bỏ dở hành trình.
Càng lên cao, chứng sốc độ cao sẽ càng nặng, và các thành viên trong đoàn bắt đầu mệt nhiều hơn, có người không ngủ được cả đêm vì lạnh, có người nhiễm lạnh phát sốt do ở ngoài trời tuyết quá lâu. Những lúc đó, tinh thần đồng đội mới thật sự phát huy tác dụng.
“Chúng tôi chia nhau từng đôi tất, từng viên thuốc bẻ đôi, từng chiếc khăn trùm đầu cho đến pha giúp nhau từng gói mì, từng ly nước gừng để giữ ấm thân nhiệt, dán cho nhau từng miếng dán, bôi từng tí thuốc trị nứt môi, để giúp nhau phục hồi và đi tiếp. Với tôi, lúc ấy thành viên khỏe nhất không phải là thành viên đi nhanh nhất về đến nơi sớm nhất, mà là người chịu khó đi chậm lại để dìu đỡ bạn mình yếu hơn, để mang ba lô giúp bạn mình, để nhường cho bạn mình bay trực thăng xuống trước, để châm nước ấm liên tục cho bạn và liên tục nhắc bạn uống nước và uống thuốc. Và thành viên yếu nhất cũng không phải là thành viên về chậm nhất đoàn mà là người vì thương bạn mình, thương người hướng dẫn của mình vì mình chịu lạnh lâu ngoài trời, đã cố gắng lết chân đi nhanh hơn khả năng và sự mệt mỏi của bản thân, không bỏ cuộc để mình và bạn mình được đến đích sớm hơn. Tôi thật sự nhìn thấy ánh sáng lấp lánh phát ra từ những trái tim ấm áp đó của tình đồng đội. Lúc đó, tôi thấy bạn bè mình đẹp hơn bao giờ hết!”, cô xúc động.
Điều gì là quan trọng nhất để một trekker có thể chinh phục được EBC? Theo Ánh và các thành viên trong đoàn: “Ngoài thể lực và ý chí phải hoàn thành đến cùng của bản thân, việc mình đi cùng ai cũng là điều rất quan trọng. Tôi may mắn vì được đi cùng một team mà ở đó tôi có những người bạn, anh chị em thân thiết cùng chăm sóc nhau và cả nhóm ai cũng luôn vui vẻ tích cực, lạc quan”.
Ngoài việc quan sát bản thân, bạn cũng có thể quan sát và hiểu sâu thêm về những người xung quanh khi đi trek cùng với họ nữa. “Nếu chọn bạn đời, chắc tôi sẽ rủ anh ấy đi chung một chuyến dài và khó cỡ như EBC vậy, để xem lúc khó khăn và bất như ý, trong tình trạng không an toàn và kém thoải mái, anh ấy sẽ hiển lộ một con người như thế nào? Để xem lúc phải lựa chọn giữa tôi và chúng ta, anh ấy sẽ chọn điều gì?”, cô gái bộc bạch.
Nguồn: Báo Thanh Niên